Trước tình hình lạm phát vào cuối năm 2022 và trong năm 2023 đang diễn biến khó lường. Nhà đầu tư cần cẩn trọng và lựa chọn kênh đầu tư an toàn và hiệu quả.
Lạm phát sẽ còn gây nhiều áp lực giai đoạn 2022 – 2023
Theo báo cáo Tổng cục Thống kê công bố, Việt Nam duy trì được mức độ tăng trưởng GDP khá tốt trong 9 tháng đạt 8,83% so với cùng kỳ năm trước, riêng trong quý III/2022 GDP đạt 13,6% so với cùng kỳ. Đây là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân.
Trong bối cảnh các nước có tỷ lệ lạm phát tăng cao thì Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước có tỷ lệ lạm phát thấp. Theo đó, tháng 9/2022, lạm phát Việt Nam tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân lạm phát 9 tháng đầu năm ở mức 2,73%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra năm nay là 4%.
Nhờ các nỗ lực kiềm chế của nhà điều hành, lạm phát tại Việt Nam đang được kiểm soát tương đối tốt. Dù vậy, trước những tác động từ phía bên ngoài, giới chuyên gia nhìn nhận chỉ số lạm phát từ giờ tới cuối năm sẽ còn diễn biến khó lường.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Học viện Tài chính, giá cả nhiên liệu, nhất là xăng dầu thế giới sẽ tiếp tục ở mức cao do nguồn cung chưa đáp ứng nhu cầu. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy sẽ tiếp tục làm cho giá vật tư, hàng hóa nhập khẩu tăng cao. Việt Nam vẫn còn phải với đối mặt nguy cơ lạm phát chi phí đẩy do nền kinh tế có độ mở lớn, tỷ lệ nhập khẩu lớn.
Phân hóa nguồn lực trong đầu tư
Dù lạm phát vẫn đang được kiểm soát tốt nhưng vẫn có những diện biến khó lường, các kênh đầu tư vẫn tiếp tục cho thấy sự phân hóa.
Vàng: Kênh đầu tư tạm ổn trong ngắn hạn, nhưng dài hạn thì không nên vì kim loại quý này chỉ tăng giá mạnh khi thị trường có biến động.
Gửi tiết kiệm: Tuy an toàn nhưng kém hấp dẫn do mặt bằng lãi suất thấp. Những ai muốn có kênh đầu tư an toàn và hiệu quả thì thay vì gửi tiết kiệm có thể chuyển một phần sang đầu tư trái phiếu hoặc các quỹ trái phiếu.
Bất động sản: Giá bất động sản tăng trong dài hạn do sự gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa. Ở những nước đang phát triển như Việt Nam, tiềm năng tăng giá bất động sản còn nhiều do nhu cầu nhà ở đặc biệt lớn cũng như tâm lý an cư lạc nghiệp đã in sâu vào tâm thức của người dân.
Theo thống kế, so với cùng kỳ năm 2021, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội đã tăng 12% ở phân khúc cao cấp, 7% ở phân khúc chung cấp và tới 14% ở phân khúc bình dân trong quý II/2022. Thị trường TPHCM cũng thiết lập mặt bằng giá mới khi mức tăng ở từng phân khúc lần lượt là 5%, 4% và 7%.
Phân khúc nhà cho thuê cũng cho tín hiệu phục hồi sau đại dịch. Đơn cử, tại TPHCM, theo khảo sát tháng 9/2022, tỷ lệ lấp đầy của căn hộ dịch vụ hiện đã tăng gấp đôi so mức 30-40% của năm 2020 và tăng gấp 3-4 lần so với đợt cao điểm bùng dịch Covid-19 quý II/2021. Cùng lúc, giá thuê phân khúc căn hộ dịch vụ hạng A (cao cấp) cũng tăng 6-8% so với quý II/2021, theo Savills Việt Nam.
Lạm phát cuối năm 2022 và trong năm 2023 dự báo vẫn diễn biến khó lường. Do đó, nhà đầu tư cần chọn lựa kênh rót tiền an toàn và hiệu quả để vừa bảo vệ túi tiền, vừa giúp sinh sôi lợi nhuận.