Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lạc quan với kinh tế thế giới năm nay nhờ tiêu dùng, việc làm và chuỗi cung ứng được cải thiện.
Trong báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế Toàn cầu công bố hôm 30/1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới. Theo đó, GDP toàn cầu có thể tăng 3,1% năm 2024, thêm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2023.
Dự báo cho năm 2025 không đổi, là 3,2%. Dù vậy, tăng trưởng vẫn dưới mức trung bình giai đoạn 2000-2019 là 3,8%.
Thương mại được dự báo tăng 3,3% năm nay và 3,6% vào 2025. Mức này đều dưới ngưỡng trung bình là 4,9%, do chịu sức ép từ các rào cản thương mại mới bị áp trên toàn cầu.
“Kinh tế thế giới tiếp tục cho thấy sự sôi động ấn tượng. Lạm phát giảm và tăng trưởng đang nhích lên. Khả năng hạ cánh mềm đang cao lên. Chúng ta đã cách rất xa kịch bản suy thoái toàn cầu”, kinh tế trưởng IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho biết.
IMF cho biết triển vọng toàn cầu được cải thiện nhờ chi tiêu công và tư tăng. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tăng. Chuỗi cung ứng dần hồi phục và giá năng lượng, hàng hóa cũng nhích lên.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế trưởng của IMF cũng cảnh báo các rủi ro suy thoái còn tồn tại. Căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông và các vụ tấn công trên Biển Đỏ có thể gây gián đoạn giá hàng hóa và chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, việc các nước hoãn công bố chính sách củng cố tài khóa, trong bối cảnh năm nay diễn ra nhiều cuộc bầu cử lớn, có thể vừa thúc đẩy hoạt động kinh tế nhưng cũng làm tăng lạm phát.
IMF giữ nguyên dự báo lạm phát toàn cầu năm nay là 5,8% và giảm còn 4,4% vào 2025. Nhìn chung, lạm phát trên thế giới sẽ đi xuống, trừ Argentina.
Mỹ và Trung Quốc – hai nền kinh tế lớn nhất thế giới – đều được nâng dự báo tăng trưởng năm nay. GDP Mỹ được kỳ vọng tăng 2,1% năm 2024, nhờ sự hỗ trợ từ tiêu dùng và chính sách tài khóa. Còn GDP Trung Quốc có thể tăng 4,6%. Điều này phản ánh hỗ trợ tài khóa từ chính phủ và tác động của khủng hoảng bất động sản lên tăng trưởng nhỏ hơn dự báo.