Sau một thời gian “tăng nóng” thì trong quý III/2022, một số phân khúc nhà đất đã có dấu hiệu giảm giá. Hàng loạt chủ đầu tư đã bước vào cuộc đua giảm giá nhà ở, cạnh tranh nhau từng mức chiết khấu nhưng có phải doanh nghiệp địa ốc đang bán lỗ?
Bất động sản bắt đầu giảm giá
Theo báo cáo của Cushman & Wakefield (công ty dịch vụ bất động sản thương mại toàn cầu), trong quý III/2022, một số phân khúc nhà đất đã có dấu hiệu giảm giá. Cụ thể:
Đối với phân khúc căn hộ, giá bán sơ cấp trung bình trong quý III/2022 đạt khoảng 1.858 USD/m2, giảm 3,1% so với quý trước.
Giá sơ cấp của nhà liền thổ Hà Nội cũng giảm mạnh, trung bình được ghi nhận là 6.800 USD/m2, giảm 0,2% theo quý và tăng 43,3% theo năm. Các nhà đầu tư dần thận trọng hơn trong việc đầu tư và mua bất động sản đất nền do thiếu hụt thanh khoản và các khoản vay.
Nguồn cung căn hộ giảm
Về nguồn cung phân khúc căn hộ, theo báo cáo của Cushman & Wakefield, trong quý III/2022, nguồn cung căn hộ trong các quận nội đô dần hạn chế khi việc xin phê duyệt dự án ngày càng trở nên khó khăn.
Do đó, nguồn cung căn hộ mới chỉ đạt hơn 3.000 căn, giảm 38% so với quý trước và 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, lượng cung chủ yếu từ các quận Nam Từ Liêm, Hoàng Mai và Gia Lâm. Trong đó, căn hộ trung cấp chiếm 84% giỏ hàng, các phân khúc khác lần lượt là bình dân 12%, cao cấp 3%, không có nguồn cung cho phân khúc sang và siêu sang.
Theo Cushman & Wakefield, việc kiểm soát tín dụng cũng gây khó khăn trong việc giải ngân vốn vay cho khách hàng, dẫn đến lượng bán và tỷ lệ hấp thụ đều giảm trong quý, với 4,600 căn tiêu thụ, giảm 15% so với quý trước. Để thích ứng với tình hình hiện tại, các chủ đầu tư đã cho ra kỳ hạn thanh toán dễ dàng hơn với chiết khấu lớn hoặc khuyến mãi hấp dẫn cho khách hàng nhằm tăng nhu cầu thị trường.
Theo ước tính của Cushman & Wakefield, sẽ có khoảng 103.000 căn hộ mới được chào bán ra thị trường trong giai đoạn quý IV/2022 – 2025.
Nguồn cung mới của nhà liền thổ Hà Nội đã giảm đáng kể trong quý III, cụ thể chỉ có 625 căn được tung ra, giảm một nửa so với quý trước nhưng vẫn tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tổng lượng căn được tiêu thụ là khoảng 374 căn. Dẫn đầu nguồn cung mới của Hà Nội là Mê Linh chiếm 50% và Gia Lâm với 26%. Cushman & Wakefield ước tính tổng nguồn cung nhà liền thổ trong tương lai tại Hà Nội sẽ đạt 12.000 căn
Thị trường văn phòng là điểm sáng
Điểm sáng của thị trường bất động sản quý III/2022 là thị trường văn phòng khá sôi động, giá thuê văn phòng toàn thị trường tăng nhẹ với 34 USD/m2/tháng đối với hạng A, và 20 USD/m2/tháng đối với hạng B.
Thị trường chứng kiến khả năng hấp thụ tích cực với lượng hấp thụ thuần trong 9 tháng 2022 là 40.000 m2, đến từ các công ty trong lĩnh vực bảo hiểm (25%), sản xuất và chế tạo (25%), công nghệ (20%), dịch vụ (10%) và logistics (5%), chủ yếu tập trung ở các tòa nhà rìa trung tâm và khu Tây.
Nguồn cung mới trong quý III của phân khúc văn phòng ghi nhận là 22.350m2, nâng tổng nguồn cung hạng A và B tại Hà Nội lên là 1,65 triệu m2 sàn văn phòng
Doanh nghiệp địa ốc có đang bán lỗ
Làn sóng các chủ dự án đua nhau giảm giá cũng như tung nhiều mức chiết khấu “khủng”, Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền.
Những khó khăn này đến từ việc bị siết tín dụng ngân hàng, bị kiểm soát phát hành trái phiếu, lãi vay tăng và nhất là thanh khoản sản phẩm bị sụt giảm suốt nhiều tháng qua. Tất cả những yếu tố này đang đẩy doanh nghiệp BĐS vào “cơn khát” vốn nghiêm trọng.
Việc giảm giá bán hoặc tăng chiết khấu là hình thức kích cầu hiệu quả của doanh nghiệp địa ốc khi họ muốn nhanh chóng thu về tiền mặt.
Nói về mức giảm giá lên đến 50% giá trị sản phẩm, TS.Đinh Thế Hiển cho rằng, thực tế doanh nghiệp BĐS vẫn còn lãi. Những năm gần đây, các chủ đầu tư có xu hướng mở bán giá cao rồi đưa ra nhiều ưu đãi với chiết khấu cao.
Người có nhu cầu mua ở thực sẽ thấy mức chiết khấu cao là phù hợp vì họ mua được với giá rẻ. Còn các nhà đầu cơ thì có thể bị lỗ. Bởi lãi vay hiện nay khá cao, nếu mua đầu tư trong khoảng 2 năm thì rất rủi ro.