Tổng cục Thống kê cho biết kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng qua ước đạt 312,82 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Do ảnh hưởng của lạm phát kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu hàng hóa của một số thị trường quan trọng suy giảm. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu những ngành thế mạnh vẫn có sự tăng trưởng đáng kể.
Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 616,24 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 15,9%; nhập khẩu tăng 12,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD.
Sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa
Tháng 10/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 30,27 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 7,55 tỷ USD, tăng 8,7% so với tháng trước nhưng giảm gần 5% so với so với cùng kỳ; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 22,7 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng trước nhưng tăng 8% so với cùng kỳ.
Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 312,82 tỉ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10-2022 ước đạt 28 tỉ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 303,42 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến là động lực tăng trưởng xuất khẩu
Trong 10 tháng năm 2022, xuất khẩu nhóm hàng công nghiêp chế biến vẫn là động lực trong tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước khi chiếm tỷ trọng 86% tổng xuất khẩu cả nước. xuất khẩu nhóm hàng nông sản, lâm thủy sản chiếm 8,2%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,2%. Cụ thể như sau:
Công nghiệp chế biến: Trong 10 tháng tiếp tục đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 269,5 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 86% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.
Nông, lâm, thuỷ sản: Ước đạt 25,8 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước trở thành điểm sáng trong xuất khẩu chung của cả nước. Trong đó, xuất khẩu thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, ước tính đạt 9,4 tỷ USD, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm trước do các thị trường xuất khẩu hiện đều có nhu cầu cao đối với thủy sản Việt Nam.
Nhiên liệu khoáng sản: Trong 10 tháng năm 2022 mặc dù có xu hướng chậm lại nhưng tiếp tục là nhóm hàng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu xăng dầu, than đá và quặng, khoáng sản khác tăng cao do giá các mặt hàng này tăng cao (xuất khẩu than đá tăng 100,7%; dầu thô tăng 19%; xăng dầu các loại tăng 35,8%).
Các thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ lực của nước ta
Theo đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 93,4 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 29,8% tổng KNXK cả nước.
Tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 46,9 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 39,4 tỷ USD, tăng 22,3%; xuất khẩu sang ASEAN ước đạt 28,9 tỷ USD, tăng 24%; xuất khẩu sang Hàn Quốc ước đạt 20,7 tỷ USD, tăng 15,4%; xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 19,8 tỷ USD, tăng 22%.
Xác định từ nay đến cuối năm, bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động tác động không nhỏ đến kinh tế trong nước. Chính vì thế, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, đảm đảm cán cân thương mại hài hoà, bền vững.