Do các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thế giới giảm mạnh sản lượng từ tháng 11 khiến nhiều nhà nghiên cứu dự báo giá dầu thế giới sẽ có nhiều biến động trong những tháng cuối năm và sang năm 2023.
Vì thế, tăng sản xuất, dự trữ trong nước để tự chủ nguồn cung là một trong những giải pháp cần tính sớm.
Chỉ chủ động được 30% nguồn cung trong nước
Theo Bộ Công thương, VN chỉ nhập 20% xăng dầu thành phẩm, còn 80% trong nước sản xuất. Tuy nhiên, trong 80% nguồn cung do 2 nhà máy lọc dầu Bình Sơn và Nghi Sơn sản xuất thì lại có đến 50% phải nhập dầu thô (xăng dầu nguyên liệu) để lọc. Chính vì thế, Việt Nam đang phải nhập trên dưới 70% xăng dầu nguyên liệu và xăng dầu thành phẩm, chỉ 30% là nguồn cung trong nước từ dầu thô đến xăng dầu thành phẩm.
Đến hết tháng 10, Tổng công ty Dầu VN (PV Oil) đã thực hiện tổng nguồn đạt khoảng 3,3 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Ước tính cả năm 2022, PV Oil sẽ đạt khoảng gần 4 triệu m3/tấn, tăng so với bình quân các năm trước đây khoảng 800.000 m3/tấn nhằm thực hiện nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Tương tự, Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) được Bộ Công thương phân bổ nguồn là 2,145 triệu m3/tấn. Tuy nhiên, Petrolimex đã chủ động lập kế hoạch nhập mua cao hơn, dự kiến đạt gần 3 triệu m3/tấn, tương ứng khoảng 140% tổng nguồn do Bộ Công thương giao.
Trước diễn biến bất thường và nguồn cung khan hiếm, cuối tháng 10, Bộ Công thương đã tăng hạn ngạch nhập khẩu xăng dầu cho các DN đầu mối trong quý 4 với tổng lượng xăng dầu được giao là 5,5 triệu m3/tấn, bình quân mỗi tháng hơn 1,833 triệu m3/tấn.
Thế nhưng theo Bộ Tài chính, nhu cầu xăng dầu lên tới 19,2 triệu m3/tấn/năm. Trong đó, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn trong 9 tháng năm 2022 sản xuất 4,4 triệu m3/tấn, đạt 70% kế hoạch, còn Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn sản xuất 6,8 triệu m3/tấn, tức mới đạt 43%.
Về nhập khẩu, theo kế hoạch là 6,2 triệu m3/tấn, chiếm 32% nguồn cung và được phân bổ cho các đầu mối. Tuy nhiên, 9 tháng năm 2022 mới có 19/33 đầu mối nhập được 3,97 triệu m3/tấn, tức không đạt kế hoạch.
Nhập khẩu giảm mạnh là một trong những lý do khiến nguồn cung trong nước đứt gãy, thiếu trầm trọng trong thời gian qua. Với tình hình như hiện nay, việc tăng nguồn cung theo kế hoạch tăng nhập khẩu sẽ là thách thức không nhỏ trong bối cảnh giá thế giới biến động.
DN xăng dầu chỉ tăng nhập nếu không lỗ ?
“Nếu giá dầu thế giới trong những tháng cuối năm tiếp tục biến động tăng, các chi phí đưa xăng dầu về không được tính hợp lý sẽ kéo dài khó khăn và “vượt mức chịu đựng” của DN và thị trường, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN cảnh báo.
Nếu muốn tăng nguồn cung trong nước, việc tạo điều kiện nhập khẩu xăng trong lúc giá thấp là rất cần thiết. Tuy nhiên, nếu muốn DN đầu mối tăng nhập, chính sách phải bảo đảm không lỗ. Nhập về tuy là hoạt động kinh doanh, nhưng cũng là nhiệm vụ chính trị để bảo đảm an ninh năng lượng. Nhập về lỗ, lỗ thì đi vay ngân hàng không được, lại không có tiền để nhập… Vòng luẩn quẩn này không giải quyết được thì bài toán tạo nguồn xăng dầu cho quý cuối năm là cực khó.
Tham khảo: báo Thanh Niên