Câu hỏi lạm phát toàn cầu đã đạt đỉnh hay chưa hiện đang nhận được sự quan tâm lớn trong bối cảnh giá cả leo thang thời gian qua. Bloomberg Economics và một số chuyên gia cho rằng lạm phát toàn cầu có thể đã đạt đỉnh nhưng vẫn còn nhiều thử thách để đưa nó về mục tiêu 2%.
Áp lực về giá đang được giải tỏa
Theo số liệu của Bloomberg Economics, lạm phát toàn cầu quý III là 9,8% và được dự báo 3 tháng cuối năm nay ở mức 9,5%, còn năm sau sẽ là 5,3%. “Điều này cho thấy lạm phát toàn cầu có dấu hiệu đã đạt đỉnh”, Bloomberg Economics nhận định.
Các thước đo lạm phát chính được công bố ở Mỹ và eurozone trong tuần này cũng hạ nhiệt. Lạm phát đã chậm lại ở châu u vào tháng 11 – lần đầu tiên sau 17 tháng – và đã giảm ở Mỹ kể từ tháng 6.

Hiện chi phí thực phẩm, nhiên liệu và kỳ vọng lạm phát của các nhà đầu tư trên thế giới giảm. Cùng với đó, động thái siết chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương bắt đầu có tác động với độ trễ nhất định.
Lạm phát giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Theo Tom Orlik, nhà kinh tế trưởng của Bloomberg, mức lạm phát cao nhất đã hạ nhiệt “không có nghĩa là điều tồi tệ nhất đã qua”, nhất là với các nhà hoạch định chính sách. “Ngay cả khi chúng giảm xuống, chỉ số giá tiêu dùng sẽ vẫn cao hơn mức an toàn đối với các ngân hàng trung ương, đòi hỏi phải thắt chặt nền kinh tế hơn nữa”, Tom Orlik nhận định.
Tại hội nghị Reuters NEXT ở New York mới đây, các chuyên gia cũng cho rằng lạm phát có thể đã đạt đỉnh, nhưng thách thức phía trước vẫn nhiều.
Giám đốc điều hành Morgan Stanley James Gorman cho biết các ngân hàng trung ương có thể đạt được một số tiến bộ với mục tiêu lạm phát bằng cách tăng lãi suất. Nhưng việc quay lại mức 2% mà hầu hết đã đặt ra có thể khó khăn trong một thế giới mà chuỗi cung ứng, nhân khẩu học và những thách thức khác sẽ giữ giá cả ở mức cao hơn.
“Tôi nghi ngờ lạm phát sẽ vẫn cao hơn mong muốn của mọi người,” Gorman nói. Theo ông, các ngân hàng trung ương có thể hạ lạm phát xuống khoảng 4%. Nhưng từ mức 4% xuống mục tiêu 2% sẽ khó khăn hơn nhiều.
Bên cạnh đó, giá năng lượng vẫn tiếp tục ở mức cao có thể làm chậm đà suy giảm lạm phát.
“Giá dầu sẽ vẫn có sự nhạy cảm lớn với những hạn chế về nguồn cung. Và lệnh cấm nhập dầu Nga của EU sẽ tiếp tục thúc đẩy lạm phát ở Anh và Eurozone”, bà Susannah Streeter, nhà phân tích thị trường và đầu tư cấp cao tại Hargreaves Lansdown, nhận định.
Bên cạnh đó, giá năng lượng và một số mặt hàng khác có thể tăng trở lại nếu kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ hoặc Nga giảm xuất khẩu dầu khí thêm nữa để trả đũa việc phương Tây áp giá trần.
Tham khảo: Vnxpress, vneconomy