Ngoài lý do mức nền so sánh thấp, các chuyên gia cho rằng GDP đạt mức tăng ấn tượng nhờ các nhân tố sáng như tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và giải ngân FDI.
GDP năm 2022 tăng cao nhất 12 năm
Công bố số liệu sáng 29/12, Tổng cục Thống kê cho biết, GDP quý IV ước tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này cao hơn của cùng kỳ năm 2020, 2021 (thời điểm diễn ra đại dịch Covid-19) nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011-2019.
Ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02%. Đây cũng là mức cao nhất giai đoạn 2011-2022.
GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2022 đạt 8.083 USD một lao động, tăng 622 USD so với năm trước.
Về lạm phát, CPI bình quân quý IV tăng 0,67% so với quý trước, tăng 4,41% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung, CPI bình quân cả năm tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra (dưới 4%).
Nhưng vì sao GDP tăng cao nhất 12 năm?
Đầu tiên theo các chuyên gia là do mức nền so sánh thấp. 2021 vốn là năm chịu thiệt hại nặng nề bởi Covid-19, với GDP chỉ tăng 2,58% so với 2020, dưới mục tiêu đặt ra là 6,5%. Nhưng thành quả từ các nhân tố sáng trong quá trình phục hồi cũng không thể phủ nhận. Theo ông Tú Anh đó là tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và giải ngân FDI.
Cơ quan thống kê thông tin, trong mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế (GDP), khu vực dịch vụ đóng góp nhiều nhất (gần 57%); tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng (góp hơn 38%) và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp (5,11%).
Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (tức dòng chảy khu vực dịch vụ) tăng 19,8% so với 2021, loại trừ yếu tố giá vẫn tăng 15,6%. Nếu so với 2019 – thời điểm trước dịch – cũng tăng 15%.
Xuất khẩu Việt Nam 9 tháng đầu năm thực sự tốt nhờ kinh tế các nước đối tác chính phục hồi, thặng dư thương mại hàng hóa trên 10 tỷ USD. Mảng này chỉ yếu dần kể từ tháng 10 nên cả năm ước đạt hơn 371 tỷ USD, vẫn tăng 10,6%.
Và trong số động lực tăng trưởng, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được nhắc tới như là điểm cộng góp vào mức tăng GDP. Vốn FDI cam kết dù giảm 11% nhưng vốn giải ngân năm nay đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5%, mức cao nhất 5 năm qua.
Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Thống kê đánh giá, khu vực nông, lâm, thuỷ sản tiếp tục cho thấy vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong năm 2022. Bà cho biết sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, xuất khẩu nông sản đạt kết quả ấn tượng nhờ vào chất lượng sản phẩm, quá trình xúc tiến thương mại và đa dạng hoá thị trường.
Bên cạnh đó, với khu vực công nghiệp, xây dựng, các doanh nghiệp đã chủ động hơn về kế hoạch sản xuất, khắc phục khó khăn. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là động lực chính cho tăng trưởng của nền kinh tế với tốc độ tăng 8,1%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 7,45%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,05%…