Mặc dù kinh tế Trung Quốc năm nay tăng trưởng thấp và có rất nhiều khó khăn về thị trường nhưng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt 1,7 tỉ USD trong 10 tháng đầu năm.
Trung Quốc đứng thứ 4 trong các nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam
Năm 2021, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam hơn 2,13 tỉ USD và xếp thứ 7 trong tổng số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Thế nhưng bước sang những tháng đầu năm nay, dòng vốn FDI từ nước này đã bắt đầu gia tăng. Cụ thể, số liệu từ Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho thấy tính chung 10 tháng năm nay, FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt 1,7 tỉ USD, đứng thứ 4 sau Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc trong tổng số 103 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, dòng vốn FDI từ đặc khu hành chính Hồng Kông cũng đạt 1,36 tỉ USD và đứng ở vị trí thứ 5. Tổng cộng trong 10 năm qua (tính đến tháng 10.2022), có 3.512 dự án của các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn gần 22,6 tỉ USD.
Những năm gần đây, vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam có sự thay đổi đáng kể, liên tục vươn lên trong vị trí xếp hạng, tăng về quy mô, thay đổi về hình thức, lĩnh vực, mở rộng về địa bàn.
Nếu như các giai đoạn trước FDI của Trung Quốc chỉ tập trung vào các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng và sản xuất hàng tiêu dùng với quy mô nhỏ là chủ yếu, thì thời gian gần đây đã có sự chuyển dịch mạnh, thay đổi đáng kể trong lĩnh vực đầu tư. Dòng vốn FDI của Trung Quốc tập trung vào nhiều lĩnh vực như dệt may, da giày, xơ sợi đến nhiệt điện, khai thác khoáng sản, khu công nghiệp…
Tại sao Việt Nam lại thu hút lớn nguồn vốn FDI từ Trung Quốc
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung manh nha từ những năm trước đã thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư từ Trung Quốc chuyển một phần vốn sang một nước khác trong khu vực ASEAN. Việc dịch chuyển dòng vốn FDI theo xu hướng “Trung Quốc +1” vẫn đang diễn ra. Hàng loạt tập đoàn nước ngoài sẽ không dồn tất cả vốn đầu tư vào Trung Quốc mà sẽ phân tán và đa dạng hóa đầu tư sang một nước khác.
Với vị trí chiến lược quan trọng, tiếp giáp với Trung Quốc là nơi cung ứng nguồn hàng hóa, nguyên liệu quy mô lớn và là một thị trường lớn, Việt Nam có điều kiện để nhà đầu tư tiết giảm chi phí vận chuyển và kết nối ổn định chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Do đó, Việt Nam được đánh giá là lựa chọn hàng đầu ở khu vực ASEAN trong xu hướng này.
Ngoài ra, Việt Nam vẫn có những lợi thế trong thu hút vốn FDI nói chung từ các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc như lợi thế về lao động, môi trường kinh tế chính trị ổn định, kiểm soát được dịch bệnh và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao…