Thương cảng Vân Đồn (Quảng Ninh) tồn tại từ giữa thế kỷ 12 đến cuối thế kỷ 18. Nơi đây từng là trung tâm giao thương lớn và quan trọng bậc nhất của nước Đại Việt thời bấy giờ, với nhiều thuyền buôn từ khắp châu Á và châu Âu đến trao đổi hàng hóa.
Vị trí huyền thoại “đệ nhất Đông Nam Á”
Vân Đồn – mảnh đất có vị trí địa chính trị, văn hóa, kinh tế quan trọng của vùng Đông Bắc, gồm 600 đảo lớn nhỏ. Xưa kia, khắp biên thùy phía Bắc Đại Việt, rừng núi trập trùng, đường bộ hiểm trở do đó người Việt cũng như người dân từ phương Bắc và phương Nam đều chọn đường thủy là con đường di chuyển an toàn và thuận tiện nhất và thương cảng Vân Đồn là trạm dừng chân đầu tiên. Trong đó có một dãy đảo dài chạy gần như song song với đất liền, ngăn thành một vụng biển kín gió, dòng rộng, thuyền bè đi lại an toàn.
Thấy rõ con đường biển này thuận tiện, từ năm 1006, Duyên Biên An phủ sứ Thiệu Việp từng dâng vua Tống bản đồ đường thủy từ Ung Châu đến Châu Giang với ý đồ muốn lấy nước ta. Con đường thủy này đã được người Tống nghiên cứu rất kỹ và qua lại nhiều lần.
Đường đi thuận lợi không chỉ dùng cho những chiến thuyền phương Bắc chở quân lính xuống xâm lược Đại Việt mà còn là đường buôn bán giữa người dân các nước. Trong suốt một nghìn năm Bắc thuộc, mặc dù nền kinh tế, văn hóa Hán ồ ạt tràn sang, nhưng những sản phẩm quý giá của người Việt vẫn có sức hút riêng, thuyền buôn các nước đua nhau kéo vào Đại Việt.
Vân Đồn qua các thời kỳ lịch sử
Năm 1149, thời vua Lý Anh Tông, thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Xiêm La, Lộ Lạc (Indonesia, Thái Lan…) vào Hải Đông (Quảng Ninh ngày nay) xin ở lại buôn bán. Vua đã cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn, đặt nền móng cho thương cảng sầm uất bậc nhất Việt Nam.
Khi mới xuất hiện Vân Đồn là một trang thuộc đạo Hải Đông. Cách đây 7-8 thế kỷ, thương cảng Vân Đồn không phải là một bến cảng như hiện nay mà là hệ thống bến thuyền thương mại trên nhiều đảo trong vịnh Bái Tử Long. Trang Vân Đồn trở thành đơn vị hành chính cấp cuối cùng trong hệ thống hành chính cấp địa phương. Để bảo vệ an ninh quốc gia, triều đình quy định, tàu thuyền nước ngoài, dù xa hay gần, đã vào cảng đều phải neo ở Vân Đồn, không được tiến sâu vào nội địa. Người nước ngoài chỉ được phép buôn bán ở một số địa điểm nhất định và chịu sự kiểm soát của triều đình.
Thời nhà Lý đưa ra nhiều chính sách khuyến khích ngoại thương nên giao thương tại Vân Đồn rất phát triển. Hàng hóa theo tàu nước ngoài xuất đi chủ yếu là trầm hương, ngọc trai, vỏ quế, vàng, bạc, đồng, diêm tiêu, hải sản biển… Nhập khẩu vào nước ta là gấm vóc. Chỉ nhà nước đảm trách hoạt động ngoại thương quốc tế, tư nhân không được tham gia.
Đến thời nhà Trần (1225-1400), thị trường hương liệu thế giới sôi động, con đường hàng hải xuyên biển từ Trung Quốc đến Ai Cập đã đẩy nhịp độ buôn bán quốc tế phát triển mạnh hơn. Buôn bán ở thương cảng Vân Đồn tấp nập, sầm uất, mở rộng ra nhiều nước như Nhật Bản, Mông Cổ, Philippines và châu Âu.
Triều Trần đặt quan cai quản Vân Đồn như một trọng trấn gồm có quan Trấn (võ tướng nắm giữ), quan Lộ (văn quan nắm giữ) và quan Sát hải sứ (quan kiểm soát mặt biển), đặt ở đây một đội quân riêng gọi là quân Bình Hải, có nhiệm vụ tuần tra bảo bảo vệ vùng biển Đông Bắc, kiểm soát an ninh các hoạt động ngoại thương.
Vào thời nhà Lê sơ (1428-1527) sau khi giành được độc lập đã thi hành nhiều chính sách khắt khe đối với ngoại thương. Triều đình quy định rất rõ hoạt động ở thương cảng Vân Đồn trong bộ Quốc triều hình luật (thường gọi là luật Hồng Đức). Theo đó, các quan ty tự ý ra Vân Đồn đều bị xử tội đồ hay lưu; người tố cáo việc ấy được hưởng một tư.
Thuyền bè ngoại quốc muốn đến Vân Đồn buôn bán, muốn đậu lại lâu đều phải làm giấy trình An Phủ ty, nếu trang chủ không trình mà tự ý cho ở lại thì bị phạt tiền 200 quan. Do việc kiểm soát ngặt, hoạt động thương mại ở Vân Đồn sút kém hơn thời Lý, Trần nhưng vẫn chiếm vị trí quan trọng dưới thời Lê.
Đến thời nhà Mạc (1527-1677), với chính sách mở cửa về thương mại, hoạt động ngoại thương tại thương cảng Vân Đồn lại hưng thịnh. Nhà Mạc còn cho xây dựng chùa ở Vụng huyện, xã Thắng Lợi, xây thành lũy ở Cẩm Phả, Hoành Bồ để phòng thủ đất nước.
Cuối thế kỷ 17, Kẻ Chợ (Thăng Long), Phố Hiến (Hưng Yên), Hội An (Quảng Nam) mở cửa cho thuyền buôn Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Anh… được vào sâu trong nội địa buôn bán. Thương cảng Vân Đồn mất hẳn vai trò trung tâm thương mại. Mặc dù hoạt động ngoại thương vẫn diễn ra, nhưng không còn sầm uất.
Bước sang đầu thế kỷ 19 thời nhà Nguyễn, thương cảng Vân Đồn không còn hoạt động. Cư dân trên một số bến cổ di chuyển đi nơi khác, kho tàng bến bãi dần bị hỏng. Các bến thuyền thương mại chuyển thành bến phục vụ nhu cầu đánh cá, trao đổi lâm, hải sản đến các nơi khác trong nước của nhân dân địa phương.
Kế thừa vị thế thịnh vượng
Trải qua thăng trầm lịch sử, Vân Đồn ngày nay vẫn được nhắc đến là một trong những vùng biển giàu tiềm năng bậc nhất Việt Nam. Cùng với Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh) được Trung ương xác định là 3 khu kinh tế trọng điểm, 3 điểm đột phá phát triển Bắc – Trung – Nam của đất nước. Trong đó, Vân Đồn là khu vực duy nhất duy nhất nằm trong khu vực hợp tác “Hai hành lang- một vành đai” kinh tế Việt – Trung, cầu nối ASEAN – Trung Quốc, trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.
Vân Đồn hiện đang sở hữu hệ thống giao thông đường bộ hiện đại với tuyến đường cao tốc, đường bao biển dài, bao quanh với nhiều cảng du thuyền,… Mới nhất, công trình đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái chiều dài trên 80km, quy mô 4 làn xe, vận tốc tối đa 120km/h dự kiến cũng sẽ được đưa vào khai thác sử dụng từ ngày 02/09/2022.
Cao tốc Vân Đồn – Móng cái được xem là “mảnh ghép” hoàn chỉnh trục cao tốc xương sống dọc tỉnh Quảng Ninh, gồm Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái dài gần 200 km, đóng vai trò là trục kết nối hai chiều giữa Vân Đồn với tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tạo tiền đề phát triển bứt phá cho địa phương.
Năm 2018 đánh dấu bước ngoặt phát triển mới của Vân Đồn khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, Vân Đồn sẽ định hướng trở thành khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển – đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế, đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, bền vững.
Với vị trí chiến lược cùng các giá trị về văn hóa, lịch sử và lợi thế phát triển kinh tế biển, các chuyên gia đánh giá Vân Đồn giống như một viên ngọc thô quý giá cần được mài giũa để tỏa sáng, đưa nơi đây sánh ngang với những đặc khu kinh tế của Macau, HongKong, Singapore…