Thông tư 06 của Ngân hàng nhà nước sắp có hiệu lực vào 1/9 đang khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản lo ngại khi dòng vốn đã “ốm” còn bị thắt chặt hơn.
Thị trường bất động sản đang thiếu vốn để phục hồi. Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, Thông tư 06 của ngân hàng nhà nước (NHNN) có hiệu lực vào ngày 1/9 sắp tới lại đang được đánh giá là tạo rào cản khiến doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận được nguồn vốn và giảm tăng trưởng tín dụng, vốn đã thấp trong nửa đầu năm 2023.
Doanh nghiệp bất động sản vẫn đang rất lo lắng khi thời gian này đến gần, cái khó đang hiện ra trước mặt. Tại Thông tư 06 Ngân hàng Nhà nước chỉ quy định tổ chức tín dụng được cho vay để khách hàng thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện các dự án đầu tư chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật, trong đó có Luật Kinh doanh bất động sản.
Trong trường hợp mà Thông tư 06 gặp khó khăn trong quá trình cho vay của tổ chức tín dụng, Ngân hàng nhà nước sẽ xem xét chỉnh sửa bổ sung, đảm bảo hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng luôn an toàn và lành mạnh, không có rủi ro phát sinh.
Một số ngân hàng cho rằng, Thông tư mới không siết vốn vào bất động sản nói chung, mà chỉ ngăn chặn được các nhóm đối tượng cho vay tiềm ẩn rủi ro. Bởi bất động sản là các khoản vay trung và dài hạn, nếu không chọn lọc, thì sẽ có nguy cơ chôn vốn vào các dự án dở dang. Đánh giá tích cực hơn, những điều kiện của Thông tư 06 là để giảm bớt các rủi ro cho các tổ chức tín dụng, ngăn dòng vốn vào những linh vực không ưu tiên trong giai đoạn cần phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Cho dù Ngân hàng Nhà nước khẳng định Thông tư 06 ban hành đúng quy định pháp luật, không gây khó khăn cho thị trường bất động sản nhưng thực tế thì các doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn. Mới đây trong Nghị quyết số 97 của Chính phủ ngày 8/7/2023, Chính phủ tiếp tục giao dù Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất cho vay thêm từ 1,5 – 2%.
Ngoài ra, phải có thêm giải pháp hiệu quả đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất và 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội. Những giải pháp mang tính tổng thể này là dấu hiệu đầy hy vọng cho thị trường. Doanh nghiệp rất mong chờ tinh thần gỡ vướng này được lan tỏa để thị trường bất động sản sớm hồi phục.
Chính phủ cũng khẳng định “không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý” vì bất động sản có vai trò rất quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng. Vì thế, những quy định chưa theo tinh thần này cũng cần có những chỉnh sửa cho phù hợp với bối cảnh mới.