Thiếu nhà ở trước đây được coi là vấn đề của các nước đang phát triển nhưng giờ đã trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Chương trình định cư con người của Liên Hiệp Quốc (UN-Habitat) cho biết, dân số tăng và nhiều người di cư đến các thành phố để tìm kiếm cơ hội tốt hơn dẫn đến tình trạng thiếu nhà ở tại đô thị ngày càng căng thẳng.
Hơn một nửa dân số thế giới đang sống ở các thành phố và thị trấn. Quy mô dân số tại khu vực này sẽ tăng lên 70% vào năm 2050. Theo tổ chức này, hơn một tỷ người trên toàn cầu sống trong các khu ổ chuột đô thị và con số này sẽ tăng 3 lần vào 2050.
Tại phiên họp diễn ra từ ngày 6-9/6 vừa qua ở Kenya, Maimunah Sharif, Giám đốc điều hành UN-Habitat, cho biết hầu hết các quốc gia đang vật lộn trong việc giúp công dân tiếp cận được với nhà ở giá cả phải chăng. “Trên toàn cầu, 1,6 tỷ người tiếp tục sống trong những nơi thiếu thốn. Chúng ta phải hành động ngay để tạo ra một tương lai đô thị tốt hơn”, bà nói.
Theo một số dữ liệu nghiên cứu, nếu trước đây, thiếu nhà ở được coi là vấn đề của các nước đang phát triển nhưng giờ đã trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Ngân hàng Thế giới cho biết, đến năm 2025, 1,6 tỷ người dự kiến sẽ bị ảnh hưởng bởi thiếu nhà ở. Các nước giàu như Mỹ, Anh và Đức đều phải đối mặt với tình trạng này.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cho biết chi phí nhà ở đã tăng nhanh hơn thu nhập và lạm phát ở nhiều quốc gia thành viên trong những năm gần đây. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng đánh giá chi phí nhà ở tăng nhanh hơn thu nhập ở hầu hết quốc gia trên thế giới.
Trong một nghiên cứu tại 200 thành phố trên toàn cầu, 90% trong số này có giá bình quân một ngôi nhà cao hơn gấp ba lần thu nhập trung bình. Công ty nghiên cứu tài chính Moody’s Analytics cho hay, riêng Mỹ đang thiếu 1,5 triệu ngôi nhà. Quốc gia này có ít nhà ở để bán hoặc cho thuê hơn bất kỳ thời điểm nào trong 30 năm qua.
UN-Habitat cho biết thế giới cần xây dựng 96.000 ngôi nhà giá rẻ mới mỗi ngày để cung cấp chỗ ở cho khoảng 3 tỷ người vào năm 2030. Một số quốc gia đã tìm cách hành động.
Nhật Bản đã rất thành công trong việc cung cấp nhà ở giá rẻ, ngay cả ở các thành phố lớn, theo tổ chức Centre for Cities (Anh). Bí quyết của nước này là luật quy hoạch đơn giản và thuế bất động sản thuận lợi.
Tại Mỹ, chính phủ cam kết sẽ chấm dứt tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở trong 5 năm. Các kế hoạch bao gồm nới lỏng luật, quy định về sử dụng đất của bang và hạn chế mật độ nhà ở. Trong khi, ở Scotland, chính phủ có kế hoạch tăng nguồn cung nhà đến năm 2040 thông qua các cơ chế tài trợ xây dựng nhà giá rẻ.
Tổng thống Kenya, ông William Ruto – người lên nắm quyền vào năm ngoái, đã đưa nhà ở giá rẻ trở thành trọng tâm trong chương trình phát triển của chính phủ và công bố kế hoạch xây dựng 250.000 ngôi nhà hàng năm cho những người có thu nhập thấp.
Ấn Độ thì có giải pháp xây dựng mới, sử dụng các tấm tiền chế, chi phí thấp làm từ vật liệu phế thải để cắt giảm chi phí xây dựng nhà ở. Các sáng kiến khác bao gồm phát triển nhà in 3D ở châu Phi, Mexico, Ấn Độ, châu Âu và các khu vực khác. Các chuyên gia cho rằng in 3D có thể tạo ra những ngôi nhà chất lượng cao nhanh hơn và rẻ hơn nhiều so với xây dựng truyền thống.