Do sự biến động của kinh tế thế giới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có thông báo về việc điều chỉnh lãi suất điều hành và có hiệu lực từ ngày 25 tháng 10 năm 2022.
Nguyên nhân chính khiến NHNN quyết định điều chỉnh các mức lãi suất
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định tăng các mức lãi suất của NHNN vào thời điểm này. Tuy nhiên nguyên nhân lớn nhất là do áp lực lạm phát toàn cầu.
Theo đó, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã 05 lần điều chỉnh tăng lãi suất mục tiêu ( federal funds target rate ) lên mức 3-3,25%/năm và dự báo còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Điều này kéo theo đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.
Do đó, để tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, NHNN quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 25 tháng 10 năm 2022.
Áp lực điều hành đang đè nặng lên Ngân hàng Nhà nước khi phải đánh đổi giữa việc kiểm soát lạm phát, giữ giá tiền đồng và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
Đơn vị tiền VNĐ mất giá mạnh so với USD kéo theo gia tăng áp lực nhập khẩu lạm phát. Tính tới 24/10, giá USD ngân hàng đã tăng hơn 8,5% so với đầu năm lên mức kỷ lục, giá trên thị trường chợ đen cũng lần đầu tiên vượt 25.000 đồng. Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đến nay đã phải can thiệp bằng cách bán hơn 20% từ quỹ dự trữ ngoại hối, đồng thời liên tiếp điều chỉnh lãi suất điều hành trong một tháng gần đây.
Cụ thể các mức tăng lãi suất
Lãi suất (%/năm) | Cũ | Mới |
Trần lãi suất huy động từ 1 tháng đến dưới 6 tháng | 5% | 6% |
Trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng | 0,5% | 1% |
Tái cấp vốn | 5% | 6% |
Tái chiết khấu | 3,5% | 4,5% |
Cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng | 6% | 7% |
Lãi suất tối đa với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,5% lên 1% một năm, lãi suất với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5% lên 6% một năm. Riêng lãi suất tối đa với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ 5,5% lên 6,5% một năm.
Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn do ngân hàng ấn định trên cơ sở cung cầu vốn thị trường.
Như vậy, chỉ trong hai lần điều chỉnh trở lại đây, trần lãi suất huy động dưới 6 tháng hiện nay đã quay về mức trước dịch và tương đương thời điểm 2014.
Với các lãi suất điều hành khác, lãi suất tái cấp vốn từ 5% lên 6% một năm, lãi suất tái chiết khấu từ 3,5% lên 4,5%, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng từ 6% lên 7% một năm.
Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng với khách vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế tăng từ 4,5% lên 5,5% một năm, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này tăng từ 5,5% lên 6,5% một năm.
Động thái của các ngân hàng sau điều chỉnh của NHNN
Sau khi NHNN nâng trần lãi suất, nhiều ngân hàng chưa vội công bố ngay mà đợi đến cuối ngày 25/10 mới hé lộ biểu lãi suất huy động mới.
Ngân hàng Sacombank tăng mạnh lãi suất kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng lên 5,6 – 6%/năm ( trước đó từ 4,1 – 4,6%/năm),tương đương mức tăng 1,4 – 1,5%/năm.
Một loạt ngân hàng khác như BacABank, NCB, SeABank, VIB cũng đã đưa ra biểu lãi suất huy động mới, trong đó tăng mạnh lãi suất tiền gửi với kỳ hạn dưới 6 tháng.
Trong đó BacABank, NCB cũng tăng lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng lên mức kịch trần 6%/năm. Với kỳ hạn dài hơn, các ngân hàng này tăng lãi suất so với mức đầu tháng. Biểu lãi suất mới công bố ngày 25-10, SeABank cũng tăng lãi suất thêm 1 – 1,2%/năm ở tất cả kỳ hạn.
Ngân hàng Phương Đông (OCB) tăng lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng với gửi tiết kiệm tại quầy lên lần lượt 5,7%/năm và 5,9%/năm. Kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng lên 6,8%/năm và 7,5%/năm. Kỳ hạn 36 tháng lãi suất là 7,8%/năm. Nếu gửi tiết kiệm online thì lãi suất cao nhất lên đến 7,85%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng, còn nếu gửi từ kỳ hạn 12 – 24 tháng lãi suất cũng lên đến 7,8%/năm.
Tuy nhiên vẫn còn một số ngân hàng chưa công bố biểu lãi suất mới, ngay cả những ngân hàng vốn duy trì mức lãi suất huy động cao so với mặt bằng chung.
Lãnh đạo 4 NH thương mại trong nhóm Big4 (Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV) cho biết đang cân nhắc trước chính sách lãi suất mới của NHNN. Theo đó, các NH này đang bàn bạc để có sự đồng thuận điều chỉnh lãi suất tiền gửi nhằm giúp thị trường tránh sự xáo trộn.