Các chuyên gia cho rằng VPBank, MB, HDBank và Vietcombank là 4 ngân hàng tham gia vào việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, vì vậy các ngân hàng này sẽ được nhận hạn mức tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác, theo đó cải thiện thị phần tín dụng trong năm 2023.
Tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 12% năm 2023
Theo báo cáo cập nhật ngành ngân hàng, Công ty Chứng khoán VNDirect (VNDirect) cho biết tín dụng toàn hệ thống đã tăng 14,5% trong năm 2022 (năm 2021 là 13,6%).
Tuy nhiên, tín dụng chỉ tăng thêm khoảng 5% ở nửa cuối năm 2022 trong khi nửa đầu năm tăng trưởng 9,5%. Tăng trưởng chậm lại khi ổn định kinh tế vĩ mô vẫn đang là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong năm 2022 và kể cả 2023 – 2024.
Nhóm chuyên gia dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại và đạt khoảng 12% năm 2023. Lý do đưa ra dự báo trên, VNDirect cho rằng do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc và lãi suất cao. Theo đó, các chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng và lãi suất tăng cao làm ảnh hưởng lên nhu cầu vay mua nhà.
Bên cạnh đó, nhóm phân tích nhận định xuất khẩu là một trong những trụ cột tăng trưởng chính của Việt Nam sẽ giảm tốc và đạt 9,5% trong năm nay (giảm từ mức 14% trong năm 2022). Hơn nữa, các doanh nghiệp sẽ tạm thời ngưng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh lãi suất tăng cao và nhu cầu tiêu dùng suy yếu.
Ngoài ra, VNDirect cho biết lạm phát toàn cầu đã có dấu hiệu đạt đỉnh, song lạm phát tại Việt Nam vẫn có thể duy trì mức cao do mức tăng tiền lương 20,8%, có hiệu lực vào tháng 7 tới và sự tăng giá ở các dịch vụ như y tế, vận tải công cộng…
Cuối cùng, nhóm chuyên gia nhận định căng thẳng thanh khoản cũng là một nguyên nhân làm chậm lại đà tăng trưởng tín dụng. Vào cuối quý III/2022, các ngân hàng đều ghi nhận chỉ số về tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR) tăng mạnh, một số ngân hàng đã gần chạm ngưỡng quy định (85%).
Nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) kỳ vọng năm 2023 tín dụng toàn ngành sẽ tăng 12-14% trong điều kiện vừa đảm bảo nhu cầu vốn cho nền kinh tế vừa đảm bảo được ưu tiên ổn định vĩ mô, ổn định hệ thống TCTD, cũng như tiếp tục triển khai gói hỗ trợ.
4 ngân hàng tham gia cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém sẽ được ưu tiên
Trước bối cảnh hiện nay, VNDirect cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên các ngân hàng thương mại có cơ cấu tín dụng lành mạnh (tỷ trọng cho vay các phân khúc rủi ro như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp và/hoặc tỷ trọng cho vay bán lẻ cao), tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh, tỷ lệ an toàn vốn cao và quản trị rủi ro tốt.
Dựa trên những yếu tố trên, nhóm chuyên ra cho rằng VPBank, MB, HDBank và Vietcombank là 4 ngân hàng tham gia vào việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, vì vậy các ngân hàng này sẽ được nhận hạn mức tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác, theo đó cải thiện thị phần tín dụng trong năm 2023.
VNDirect đưa ra dự phóng tăng trưởng tín dụng năm 2023 của một số ngân hàng, tại VPBank (ngân hàng mẹ) với tỷ lệ 24%, tiếp đến HDBank là 20%, MB với tỷ lệ 18% và tại Vietcombank là 12%…
Nhóm phân tích cũng đã đưa ra bảng so sánh đánh giá khả năng đáp ứng rủi ro thanh khoản của các ngân hàng niêm yết dựa trên một số tiêu chí về thanh khoản “L – liquidity” trong mô hình CAMELS. Để giảm bớt ảnh hưởng của yếu tố thời điểm, nhóm phân tích lấy trung bình số liệu trên BCTC của các ngân hàng tại thời điểm cuối năm 2021 và cuối quý III/2022.
VNDirect cũng lưu ý rằng, các mức xếp hạng thấp không có nghĩa là ngân hàng đó có rủi ro về thanh khoản. Những ngân hàng có xếp hạng càng cao thì khi áp lực thanh toán ngắn hạn gia tăng đột biến, rủi ro thanh khoản sẽ được giảm thiểu.
Tại chỉ tiêu liên quan đến tỷ lệ tài sản thanh khoản/huy động khách hàng, ngân hàng có tỷ lệ này càng cao có nghĩa rằng ngân hàng đó sẽ có khả năng dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt, đủ đáp ứng nghĩa vụ thanh toán ngắn hạn. Theo tính toán của đơn vị phân tích, TPBank, HDBank, MSB là những nhà băng dẫn đầu về tiêu chí này.
Về tỷ lệ cho vay khách hàng/huy động khách hàng, đây là tỷ lệ đo lường mức độ dồi dào của thanh khoản, nếu tỷ lệ này càng cao thì ngân hàng đã tối ưu nguồn huy động vốn. TPBank, MSB, HDBank tiếp tục là những ngân hàng có xếp hạng tốt nhất ở tiêu chí này.
Đối với tỷ lệ tài sản thanh khoản/tổng tài sản, tỷ lệ này càng cao cho phép ngân hàng đó nhanh chóng đáp ứng đủ nghĩa vụ thanh toán ngắn hạn. Trong đó, TPBank, ABBank và Vietcombank là những ngân hàng nằm trong top đầu.
BIDV, ACB, Eximbank là những ngân hàng có xếp hạng tốt nhất về chỉ tiêu tỷ lệ cho vay ngắn hạn/dư nợ cho vay.
Ngoài ra, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng huy động khách hàng, tỷ lệ này càng cao thì ngân hàng càng ít chịu áp lực huy động vốn dài hạn để đáp ứng nhu cầu cho vay. Hiện Techcombank là ngân hàng có xếp hạng cao nhất, theo sau là MB, Vietcombank, MSB.
Chỉ tiêu cuối cùng là tỷ lệ huy động tiền gửi từ tổ chức/tổng huy động khách hàng. VNDirect cho biết từ góc độ thị trường, tỷ lệ tiền gửi của khách hàng tổ chức càng cao thì nguồn vốn huy động của ngân hàng càng ổn định. Vì vậy, tỷ lệ này càng cao thì khả năng đáp ứng thanh toán của ngân hàng càng tốt. Hiện TPBank, VPBank, MSB, VietinBank là những đơn vị có xếp hạng cao.
Định hướng tín dụng 2023: NHNN tiếp tục kiểm soát vào lĩnh vực rủi ro
Tại họp báo định hướng nhiệm vụ năm 2023 ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết năm 2023 sẽ tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên và kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng.
Cơ quan quản lý tiền tệ sẽ kiểm soát chặt tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản (nhất là kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp…
Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, ngành ngân hàng tập trung thực hiện các giải pháp cải cách, đơn giản thủ tục cho vay để nâng cao khả năng tiếp cận vốn. Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn, cần các giải pháp chính sách hỗ trợ khác từ phía nhà nước như bảo lãnh tín dụng, các các chính hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được thực thi hiệu quả…
Trước đó cuối tháng 12/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước về nhiệm vụ năm 2023. Ngân hàng Nhà nước cần điều hành cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng, giữa lãi suất và lạm phát, vừa bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, an toàn hệ thống ngân hàng và an ninh tài chính, tiền tệ, vừa góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, kiên quyết không để thiếu vốn cho nhu cầu vốn chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, tập trung tín dụng vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát tín dụng các lĩnh vực rủi ro.
Cre: NDH