Trong giai đoạn nền kinh tế thế giới và Việt Nam có nhiều biến động thì chiến lược “tiền mặt là vua” được nhắc đến nhiều. Quy mô tiền nhàn rỗi là một trong các tiêu chí để đánh giá khả năng chống chịu trước các khủng hoảng của doanh nghiệp.
Việc duy trì lượng tiền mặt nhất định để phục vụ cho hoạt động sản xuất cũng như đảm bảo tính thanh khoản, giảm rủi ro tài chính và chủ động trong các cơ hội đầu tư luôn được các doanh nghiệp lớn tính đến.
Không chỉ thế, trong môi trường lãi suất cao như hiện nay, những doanh nghiệp có lượng tiền nhàn rỗi lớn để gửi ngân hàng hoặc cho vay lấy lãi khác sẽ có thêm lợi thế trong kinh doanh.
Loạt doanh nghiệp với quỹ tiền mặt hàng tỷ USD
Tập đoàn Hòa Phát hiện vẫn duy trì được vị trí quán quân trên thị trường với hơn 38.900 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và các khoản tiền gửi ngân hàng ngắn hạn (gần 1,6 tỷ USD) tại cuối quý III. Lượng tiền này đã giảm đi rất nhiều trong bối cảnh ngành thép thoái trào, Hòa Phát cũng ghi nhận mức lỗ gần 1.800 tỷ đồng trong quý III và đang phải tính đến việc thu hẹp sản xuất để tồn tại.
Dù vậy, với quy mô tiền khổng lồ trong khối phi tài chính, Hòa Phát vẫn giữ được hoạt động ổn định và thậm chí là nắm bắt cơ hội mở rộng thị phần ngành thép. Doanh nghiệp đầu ngành liên tục nới thị phần trong 6 tháng đầu năm lên mức 36% và hiện vẫn duy trì được mức này.

“Gã nhà giàu” tiếp theo trong danh sách niêm yết là PV Gas với con số 36.000 tỷ đồng, tăng 5.900 tỷ đồng kể từ đầu năm. Quy mô tiền mở rộng nhờ kết quả kinh doanh vượt trội của công ty dầu khí này với mức lãi lũy kế kỷ lục 11.725 tỷ đồng, tăng trưởng 72%.
Ông lớn ngành hàng không ACV đang cho thấy sự hồi phục ấn tượng khi du lịch trở lại. Việc lợi nhuận quay lại thời điểm trước dịch đã giúp cho vị thế tiền của doanh nghiệp quay lại mốc 33.300 tỷ đồng như hồi đầu năm.
Hai doanh nghiệp khác có quy mô tiền nhàn rỗi hơn 1 tỷ USD là Vingroup và Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) với con số lần lượt quanh 28.600 tỷ và 26.500 tỷ đồng, tăng 25% và 29% so với thời điểm đầu năm.
Đứng tiếp theo trong nhóm 10 doanh nghiệp phi tài chính “giàu có” nhất theo thứ tự giảm dần là FPT, Sabeco, Vinamilk, Novaland (đều trên 20.000 tỷ) và Petrolimex ở mức hơn 18.000 tỷ.
Tổng top 10 doanh nghiệp trên đang cầm gần 273.600 tỷ đồng (hơn 11 tỷ USD) tại cuối tháng 9, con số này tăng khoảng 20.000 tỷ so với đầu năm nhưng đã giảm 16.000 tỷ so với đỉnh điểm quý II.
Tính rộng thêm, số doanh nghiệp phi tài chính đang niêm yết có quy mô tiền mặt vượt 10.000 tỷ đồng là 17 đơn vị, với nhiều cái tên thêm như VEAM, Viettel Global, Vinhomes, Thế Giới Di Động, Vietnam Rubber, FPT Telecom, PTSC, PV Oil.
Thu lãi hàng nghìn tỷ đồng
Với lượng tiền nhàn rỗi lớn, các doanh nghiệp cũng lựa chọn gửi ngân hàng hoặc cho vay lấy lãi lớn, từ đó đã thu về hàng trăm tỷ đồng tiền lãi chỉ trong 9 tháng đầu năm vừa qua.
Cụ thể, doanh nghiệp đang xếp sau Hòa Phát về lượng tiền nhàn rỗi là PV Gas đang dồn 36.000 tỷ đồng vào tiền gửi ngân hàng, chiếm hơn 90% tiền nhàn rỗi của công ty. Ghi nhận kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, danh mục này giúp PV Gas mang về hơn 888 tỷ đồng tiền lãi.

Top 1 ngành Sữa Vinamilk cũng gửi vào ngân hàng 22.400 tỷ đồng, doanh nghiệp này thu lợi 885 tỷ đồng tiền lãi.
Ông lớn ngành hàng không ACV thu tiền lãi gần 1.200 tỷ đồng từ đầu năm sau khi sở hữu danh mục tiền gửi ngân hàng gần 31.900 tỷ đồng. Tập đoàn FPT cũng ghi nhận mức lãi khủng không kém, hơn 1.000 tỷ đồng tiền lãi cho 24.000 tỷ tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng.
Việc lãi suất cao trong giai đoạn này, các doanh nghiệp có thể tận dụng diễn biến này để dễ dàng vượt qua khó khăn hiện tại, tuy nhiên những đơn vị nào đang có các khoản vay nợ cũng sẽ phải chịu áp lực về chi phí vốn lớn không kém.
Tham khảo: zing