Mặc dù xuất khẩu hàng hoá vẫn còn gặp nhiều khó khăn song đã có một số tín hiệu vui trong 2 tháng gần đây. Các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước đang tích cực triển khai các giải pháp để lấy lại đà tăng cho xuất khẩu.
Có tín hiệu vui song chưa hết khó
Thông tin từ Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm giảm 12,1% so với cùng kỳ; xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ năm trước, như: thị trường Hoa Kỳ giảm 22,6%, EU giảm 10,1%; Trung Quốc giảm 2,2%; Hàn Quốc giảm 10,2%; Nhật Bản giảm 3,3%; ASEAN giảm 8,7%.
Gạo là một trong những mặt hàng hiếm hoi có kim ngạch xuất khẩu tăng trong 6 tháng đầu năm 2023. Theo Tổng cục Hải quan, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 6 năm 2023 ước đạt 650 nghìn tấn với giá trị 383 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,27 triệu tấn và 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, bức tranh xuất khẩu gạo không phải là bức tranh chung trên thị trường xuất khẩu. Bởi lẽ, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ở trong giai đoạn rất khó khăn khi liên tục suy giảm sâu trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, tin mừng là hai tháng gần đây, xuất khẩu hàng hóa cũng đã có những tín hiệu sáng.
Theo đánh giá tổng thể, xuất khẩu hàng hóa trong 6 tháng đã giảm khoảng 12% so với năm 2022 nhưng hai tháng gần đây (tháng 5 và tháng 6) thì đang có mức tăng trưởng so với tháng liền kề trước đó. Khi so sánh với năm 2022 thì hiện nay, xuất khẩu đã đạt tương đương khoảng 88% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, xuất khẩu đa số các mặt hàng khác, đặc biệt là các mặt hàng công nghiệp hiện nay còn đang rất khó khăn.
Xuất khẩu hàng hóa suy giảm có cả nguyên nhân lâu dài và nguyên nhân trước mắt. Nguyên nhân trực tiếp nhất chính là do là tình trạng giảm tổng cầu do lạm phát cao và suy giảm kinh tế ở các thị trường xuất khẩu chính. Bên cạnh đó, khi nhiều nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch cũng khiến sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu tăng cao. Trong khi đó, trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp, nhiều thị trường nhập khẩu lớn đã duy trì lượng tồn kho hàng hóa khá cao. Đây là lý do khiến tổng cầu suy giảm.
Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng chưa được khôi phục hoàn toàn do tình hình chiến sự giữa Nga-Ukraine cũng như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.
Những khó khăn này khiến nhiều ngành hàng chủ lực chịu tác động mạnh mẽ bởi tình hình xuất khẩu suy giảm. Trong đó, những nhóm hàng chịu tác động tiêu cực nhất là nhóm hàng công nghiệp, nhóm hàng tiêu dùng… Thí dụ, nhóm hàng điện thoại và linh kiện giảm khoảng 17%; nhóm hàng điện tử, máy vi tính giảm khoảng 9%; nhóm hàng may mặc giảm 15%; nhóm hàng giày dép giảm 15%, thủy sản giảm khoảng 27%.
Trước mắt, tình hình chưa được cải thiện nhiều và bức tranh xuất khẩu trong thời gian từ nay đến hết năm dự báo vẫn sẽ còn nhiều khó khăn.
Cơ hội cho những tháng cuối năm
Mặc dù thị trường xuất khẩu còn nhiều khó khăn, song đánh giá chung cho thấy có một điểm tích cực, đó là các doanh nghiệp cũng đang phát huy tốt việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để duy trì xuất khẩu vào các thị trường chính.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% năm 2023 là vô cùng thách thức. Do đó, Bộ Công thương đang tập trung vào những giải pháp cần triển khai bao gồm tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) thông qua việc đào tạo và nâng cao hiểu biết để tận dụng hiệu quả các quy tắc xuất xứ; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa hình thức xúc tiến tại các thị trường để tham gia được vào thị trường mới.
Cùng với đó, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia mạng lưới phân phối của các chuỗi bán lẻ nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu thông qua nền tảng thương mại điện tử… và nắm bắt các khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, qua đó tháo gỡ và hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu.
Hiện nay, phải khẳng định rằng những nỗ lực của doanh nghiệp là rất lớn để duy trì hoạt động sản xuất, xuất khẩu, lưu thông hàng hóa. Tại thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp cũng nên tiếp tục có các đánh giá và tái cơ cấu cho chiến lược hoạt động cũng như chiến lược kinh doanh của mình.
Về phía ngành dệt may, Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin, dự báo tình hình sản xuất, xuất khẩu sẽ cải thiện dần nhưng khó khăn sẽ còn kéo dài hết năm 2023, do nhiều doanh nghiệp đến nay chưa đủ đơn hàng cho quý 3 và quý 4. Bên cạnh việc thiếu đơn hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh của mình, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với khó khăn do đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm đến trên 50% so với bình thường.
Năm 2023, toàn ngành dệt may đặt mục tiêu phấn đấu đạt 39 – 40 tỷ USD. Để hoàn thành mục tiêu, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp cần chú trọng 3 vấn đề cốt lõi. Thứ nhất, tìm giải pháp giữ chân người lao động, nhất là lực lượng nòng cốt. Tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghề, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Thứ hai, giữ chân khách hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh, không có lãi để có việc làm cho người lao động và để khách hàng không chuyển đi nơi khác. Xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, lâu dài. Khai thác thị trường mới, quan tâm thị trường nội địa. Thứ ba, giảm tối đa các chi phí chưa thực sự cần thiết của doanh nghiệp.
Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến các rào cản thương mại mới phát sinh. Ví dụ như các biện pháp phòng vệ thương mại, các biện pháp liên quan đến lao động và môi trường. Đặc biệt là hiện nay, chính sách thương mại xanh sẽ có tác động rất lớn đến hoạt động thương mại sắp tới. Do đó, đây là thời điểm doanh nghiệp cần nhìn nhận để có cơ cấu về mặt nguyên liệu cũng như công nghệ, để có thể đáp ứng được yêu cầu về thương mại xanh, đặc biệt là đoạn sắp tới.