Tình hình kinh tế đang còn nhiều diễn biến khó lường khiến các nhà đầu tư còn loay hoay trong việc lựa chọn kênh đầu tư tạo hiệu suất sinh lời hấp dẫn. Đâu là kênh đầu tư an toàn và phù hợp những tháng cuối năm?
Chứng khoán, bất động sản trầm lắng, vàng, ngoại tệ rủi ro
Thị trường chứng khoán
Hiện tại giá nhiều cổ phiếu đã xuống dưới giá trị thật nhưng giao dịch rất khiêm tốn. Thanh khoản thị trường chứng khoán (TTCK) chỉ bằng 1/5 giai đoạn đỉnh điểm. TTCK hiện khá hấp dẫn, song vẫn còn nhiều rủi ro. Nhìn chung, chứng khoán sẽ tiếp tục bị thử thách bởi nền kinh tế thế giới đang ngày càng đối mặt với nguy cơ tăng trưởng chậm lại.
Trưởng bộ phận phân tích, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) Bùi Nguyên Khoa nhận định: “Trong bối cảnh còn nhiều biến số ảnh hưởng đến tỷ giá, lãi suất, thanh khoản trong nước và môi trường lãi suất cao, thị trường chưa có động lực rõ ràng để tăng giá mạnh, việc lựa chọn cổ phiếu thời điểm này cũng rất quan trọng. Nếu nhà đầu tư có tỷ lệ tiền mặt, khẩu vị rủi ro cao thì có thể xem xét mua thăm dò với tỷ trọng thấp và chú ý khoanh vùng các nhóm cổ phiếu”.
Ông Bùi Nguyên Khoa khuyến nghị nhà đầu tư nên ưu tiên chọn các nhóm cổ phiếu như:
- Nhóm có giá đã điều chỉnh đủ hấp dẫn cho hoạt động dài hạn
- Nhóm vay nợ ít và nhóm có tỷ lệ nắm giữ tiền mặt cao cho đầu tư ngắn và trung hạn
- Ngoài ra, có thể lưu ý các cổ phiếu nguyên vật liệu, xuất khẩu, du lịch, được hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế trở lại.
Thị trường bất động sản
Tương tự tình hình thị trường chứng khoán, giá đất nền nhiều khu vực đã giảm 10 – 20% vẫn không có người mua. Nguyên nhân của sự chứng lại của thị trường là từ tăng lãi suất, và việc siết tín dụng bất động sản của ngân hàng.
“Khi lãi suất huy động và cho vay tăng thì thị trường thường đi ngang, giao dịch trầm lắng hơn, nguồn cung thấp. Mua bất động sản trong thời điểm hiện tại chỉ phù hợp với những người có dòng tiền ổn định, ít hoặc không sử dụng đòn bẩy tài chính. Và cũng chỉ các sản phẩm đã hoàn thiện cơ bản về pháp lý, được giao đất rồi, nhà đầu tư có uy tín mới nên đầu tư” – TS Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.
Thị trường vàng và ngoại tệ
Đây được xem là kênh đầu tư tài chính truyền thống của người châu Á, chưa bao giờ lỗi thời. Vàng và ngoại tệ là lựa chọn đầu tư có tính thanh khoản tốt, dễ mua bán ở nhiều nơi trên thế giới, có giá trị tích trữ, giúp nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục và phù hợp với mọi tầng lớp đầu tư.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những biến động bất ngờ do giá vàng, giá ngoại tệ chịu ảnh hưởng lớn từ các yếu tố như: Chiến tranh, giá nhiên liệu, tình hình chính trị và chính sách tài khóa tiền tệ của các nước lớn… Hơn nữa, USD không còn hấp dẫn khi tỷ giá VND/USD đã ở vùng cao, tăng nhiều so với năm trước.
Với vàng, nếu tính từ cuối tháng 2/2022 đến nay, giá kim loại quý này trong nước đã giảm tới 8 triệu đồng/lượng. Hình thức đầu tư này chỉ phù hợp với những người đến tuổi nghỉ hưu hoặc các đối tượng tiết kiệm để chi tiêu trong ngắn hạn và trung hạn như mua xe, sắm sửa đồ dùng trong nhà…
Tiền mặt là vua?
Sau đợt tăng lãi suất điều hành lần 2 của NHNN, lãi suất huy động của các ngân hàng đã tăng ở nhiều kỳ hạn. Có ngân hàng lãi suất huy động cao nhất lên mức 9,2 – 9,4%/năm cho kỳ hạn 36 tháng, 9 – 9,2%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, 8,5 – 8,7%/năm cho kỳ hạn 6 tháng… Lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục tăng mạnh được cho là kênh đầu tư phù hợp trong giai đoạn này.
Theo các chuyên gia, tiết kiệm ngân hàng vẫn sẽ là kênh đầu tư được người dân “chọn mặt gửi vàng” từ nay đến cuối năm, do cần đảm bảo an toàn vốn và chờ đợi những cơ hội đầu tư mới.
Khi ra quyết định đầu tư, người dân sẽ cân nhắc 4 yếu tố: Tỷ suất sinh lời, nhu cầu đầu tư, khẩu vị rủi ro và chi phí cơ hội. “Trong những tháng cuối năm 2022, những yếu tố bất định của thị trường chứng khoán, bất động sản vẫn hiện hữu. Ngoại tệ cũng không phải là lựa chọn đầu tư mang tỷ suất sinh lời cao. Với vàng, thực tế người dân chỉ mua để tích luỹ, đầu cơ tức thì chứ không phải kênh đầu tư bền vững. Tựu trung lại, hiện tiết kiệm ngân hàng vẫn là kênh đầu tư “vua” được nhiều người dân lựa chọn” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) phân tích.
Tham khảo: KTĐT