“Treo đầu dê bán thịt chó”, “tạo sóng ảo”, chốt khách ảo là những chiêu trò của một số công ty Bất động sản tạo ra để giăng bẫy những người đầu tư thiếu kinh nghiệm.
Rao dự án ở quận 10, dẫn khách xuống Bình Dương
Mới đây, Công an quận 10 (TP.HCM) đã xử phạt hành chính một đối tượng có hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
The đó, người bị xử phạt là trưởng nhóm kinh doanh của một Công ty bất động sản, đã sử dụng trang Facebook để đăng thông tin rao bán dự án đất nền tại quận 10. Dự án có vị trí đắc địa nên thu hút rất nhiều người quan tâm.
Khi có khách hàng liên hệ, đối tượng sẽ cung cấp các hình ảnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, pháp lý dự án, bản đồ quy hoạch, phân lô… và khẳng định dự án có thật. Tin lời cò đất, khách hàng sẽ được bố trí đến tư vấn trực tiếp tại một trung tâm hội nghị ở quận Phú Nhuận.
Tại buổi gặp gỡ, cò đất của Công ty bất động sản nói sơ qua về dự án tại quận 10 và dần dần điều hướng sang quảng bá và giới thiệu về một dự án khác tại tỉnh Bình Dương.
Nhiều người sau khi mắc bẫy của môi giới đã trình báo vụ việc lên cơ quan chức năng. Phía Cảnh sát đã vào cuộc điều tra. Quá trình xác minh cho thấy khu đất tại mà cò đất mời chào chưa có pháp lý để triển khai dự án như bài viết trên trang Facebook đã đăng tải. Trưởng nhóm kinh doanh của Công ty bất động sản này là người phải chịu trách nhiệm về hành vi đăng thông tin sai sự thật.
Kẻ tung, người hứng
Trước tiên, để có thể mời gọi khách hàng đến với sự kiện mở bán, “cò đất” xây dựng hình ảnh rất uy tín bằng cách tư vấn kỹ lưỡng, đồng thời nêu “chính sách” của công ty, phải cung cấp “trực tiếp” giấy tờ, pháp lý của dự án tại “văn phòng” của công ty trước khi đưa khách đi xem đất.
Trên thực tế, khi khách đến vị trí được giới thiệu là “văn phòng” của công ty thì thực chất lại là một trung tâm tổ chức sự kiện.
Nếu chấp thuận tham gia sự kiện của công ty này, khách hàng sẽ được đưa đến bàn của “quản lý cấp cao” và được bao quanh bởi các nhân viên môi giới nhằm nâng cao dịch vụ “chăm sóc khách hàng”. Điều này sẽ gây sức ép tâm lý không nhỏ đến khách hàng, khiến họ khó rời đi mà phải ngồi lắng nghe môi giới giới thiệu về sản phẩm.
Ngoài ra, quán trình tư vấn còn có sự xuất hiện của một “vị khách hàng”. Vị khách này tự nhận là nhà đầu tư sành sỏi, luôn tìm cách bắt chuyện với khách hàng thật để “chia sẻ kinh nghiệm đầu tư”. Quá trình tư vấn, vị nhân viên luôn viện cớ lấy tài liệu, tạo cơ hội để các khách hàng có thời gian trao đổi, thảo luận.
Vị khách này cũng hỗ trợ quá trình điều hướng của nam môi giới khi liên tục chia sẻ ý kiến cá nhân, “chê” sản phẩm mà khách hàng thật muốn tìm hiểu và ngỏ ý hỏi tư vấn liệu có sản phẩm nào tiềm năng hơn. Quá trình “tung hứng” giữa vị khách và môi giới diễn ra vô cùng ăn ý khiến khách hàng không khỏi lúng túng.
Thậm chí khi khách hàng từ chối đi xem sản phẩm được quảng bá, môi giới sẽ thay đổi chiến thuật, hứa sẽ dẫn khách hàng đi xem sản phẩm muốn tìm hiểu, sau khi “ghé qua” dự án tiềm năng vì lí do “tiện đường”. Nếu chấp thuận đề nghị của môi giới, khách hàng sẽ được đưa lên “chuyến xe đi tỉnh” được bao vây “chăm sóc” bởi rất nhiều môi giới khác.
Và khi có mặt tại dự án, khách hàng sẽ được tham gia “lễ hội chốt đất” với khung cảnh náo nhiệt, loa đài ầm ĩ, môi giới “vắt chân chạy” trong khi MC liên tục thông báo các đơn “chốt cọc”.
Bên cạnh đó, các môi giới còn giới thiệu các chính sách hấp dẫn về giao dịch như: cọc giữ đất và sẽ hoàn tiền khi đổi ý. Nếu chưa đạt được giao dịch, môi giới sẽ lấy lí do, trì hoãn việc đưa khách hàng quay lại thành phố, gây tâm lý bất an cho nạn nhân.